Nâng cao hiệu quả trong tổ chức sinh hoạt lớp cuối tuần theo chủ đề môn hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp 11
Tiếp tục vận dụng sáng tạo Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo vào thực tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện nhà trường. Đồng thời, để nâng cao chất lượng giảng dạy và giáo dục học sinh đạt hiệu quả thì bên cạnh các hoạt động học tập, tiết sinh hoạt lớp được xem là một tiết học đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Vậy làm thế nào để hoạt động của tiết sinh hoạt lớp trở nên hấp dẫn, mang lại hiệu quả cao? Làm sao để các tiết sinh hoạt lớp có thể tích hợp nhiều nội dung để giáo dục học sinh về đức, trí, thể, mĩ, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm trong sáng và rèn luyện những kĩ năng sống cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện học sinh. Đó là câu hỏi đặt ra cho mỗi giáo viên chúng ta. Xuất phát từ thực tế đó, với cương vị giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp, cá nhân tôi cũng mong muốn chia sẻ một vài ý kiến, suy nghĩ, kinh nghiệm để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh thông qua tiết sinh hoạt lớp theo các chủ đề của bộ môn HĐTN Hướng nghiệp lớp 11.
Thứ nhất, sử dụng biện pháp giáo dục tích cực
Đa dạng hóa về nội dung và hình thức tổ chức tiết sinh hoạt lớp: nội dung tiết sinh hoạt tập thể hàng tuần phải cụ thể bổ ích, phải gắn với nhu cầu hứng thú của học sinh và phù hợp với tâm lý, khả năng tiếp thu và trình độ hiểu biết của học sinh, huy động đến mức cao nhất trí tuệ và tình cảm tập thể của học sinh. Thu hút tối đa sự tham gia của mọi học sinh dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ cố vấn của giáo viên nhằm tăng cường vai trò tự quản của học sinh. Tạo môi trường chung để học sinh cùng trải nghiệm những xúc cảm tích cực, tăng cường giao lưu giữa các em, tạo ra môi trường lớp học mang bầu không khí tin tưởng, thân mật, cởi mở, sẵn sàng giúp đỡ và lắng nghe ý kiến của nhau. Từ đó tình cảm gắn bó, chia sẻ giữa các em học sinh được hình thành và củng cố.
Để nâng cao chất lượng tiết sinh hoạt, các GVCN có thể sử dụng những biện pháp giáo dục tích cực, ví dụ như: Hoạt động tổ chức cuộc thi, hoạt động đóng vai, hoạt động tranh biện, hoạt động trò chơi giáo dục, hoạt động làm việc nhóm… tùy thuộc theo các chủ đề lựa chọn.
Chủ đề của tiết sinh hoạt cần gần gũi với học sinh, nội dung dễ hiểu, hình thức tổ chức phong phú, khiến cho học sinh cảm thấy hứng thú và tự giác tham gia vào giờ sinh hoạt.
Ví dụ như: Với chủ đề “Tìm hiểu về Cây ba gốc rễ để tạo ra trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc...”, các nhóm học sinh có thể tham gia hoạt động đóng vai: xử lý các tình huống cụ thể liên quan tới đạo đức, nhân cách, tri thức, nghị lực, tình cảm bạn bè, thầy cô...; các học sinh còn lại nhận xét, bổ sung ý kiến, GVCN hoặc cán bộ lớp tổng kết….
Với mỗi tiết sinh hoạt lớp, GVCN có thể lựa chọn một hoặc nhiều hoạt động giáo dục. Ví dụ như: trong tiết sinh hoạt chủ đề “Bảo tồn cảnh quan thiên nhiên” thuộc chủ điểm sinh hoạt “Tuổi trẻ với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”, GVCN có thể sử dụng hoạt động làm việc nhóm và hoạt động tranh biện.
Với hoạt động nhóm, học sinh chia thành các nhóm với nhiệm vụ khác nhau: tìm hiểu lịch sử áo dài dân tộc (vẽ tranh, lên kế hoạch bảo tồn theo từng thời kì, làm clip thuyết trình lịch sử, tuyên truyền…), …
Với hoạt động tranh biện, GVCN cho mở Hộp ý kiến của học sinh (đã lấy ý kiến trong tuần trước đó) và lựa chọn các câu hỏi phù hợp, có tính tranh luận về các chủ đề tương ứng với mỗi tiết sinh hoạt lớp; GVCN hướng dẫn học sinh có hình thức tranh biện văn minh… Việc lựa chọn bao nhiêu hoạt động, và chọn hoạt động giáo dục nào sẽ tùy thuộc vào chủ đề, thời gian tiết sinh hoạt và đặc điểm cá nhân của mỗi lớp.
Thứ hai, để tổ chức thành công các hoạt động giáo dục
Để có thể tổ chức thành công các hoạt động giáo dục nêu trên, theo tôi, yếu tố quyết định là công đoạn chuẩn bị cho tiết sinh hoạt lớp ( công đoạn xây dựng kế hoạt, xây dựng các hoạt động cho tiết dạy):
Trước hết, từ đầu năm học, GVCN cần xây dựng đội ngũ cán bộ lớp tích cực, nhiệt tình; xây dựng và thống nhất cùng khối, lớp các chủ đề theo tháng cho cả năm học.
Trước mỗi tuần diễn ra tiết sinh hoạt, GVCN cần trao đổi, định hướng trước với cán bộ lớp về mục đích nhiệm vụ của tiết sinh hoạt sắp tới và kế hoạch tuần tiếp theo (dựa trên chủ đề hoạt động đã thống nhất)
Thống nhất nội dung, hình thức tiết sinh hoạt: Đề nghị học sinh nêu ý tưởng ý tưởng tổ chức sinh hoạt, trên cơ sở nguyện vọng của học sinh và mục đích giáo dục, hướng dẫn đội ngũ cán bộ lớp phân công các nhiệm vụ cho các nhóm.
GVCN theo sát các nhóm trong quá trình chuẩn bị, định hướng, duyệt nội dung, góp ý để sản phẩm của mỗi nhóm vừa thể hiện được trí tuệ, sự năng động, sáng tạo của học sinh, vừa bám sát chủ đề và mục tiêu tiết sinh hoạt.
Đối với quá trình chuẩn bị này, GVCN cần tránh hai khuynh hướng: phó mặc hoàn toàn cho học sinh chuẩn bị nội dung, dẫn tới sự đơn điệu, buồn tẻ, không đạt được mục đích giáo dục; hoặc quá kiểm soát, không cho học sinh được trình bày, thể hiện ý kiến, sáng tạo cá nhân.
Nếu quá trình chuẩn bị tốt, trong tiết sinh hoạt lớp, GVCN chỉ cần làm việc rất ít, thậm chí có thể không làm gì, trao quyền cho học sinh hoạt động với thời gian tối đa, GVCN chỉ bao quát và chỉ đạo để đảm bảo hoạt động của học sinh đúng kế hoạch và đạt hiệu quả cao.
Kết thúc tiết sinh hoạt lớp, GVCN cần thăm dò ý kiến của HS về các hoạt động trong tiết sinh hoạt để điều chỉnh, đáp ứng nhu cầu chính đáng của các em. Có nhiều cách để nhận được thông tin phản hồi từ học sinh như: GVCN trực tiếp trò chuyện với học sinh, học sinh điền phiếu thăm dò, GVCN nắm bắt thông tin từ cán bộ lớp ... Sau đó, GVCN cùng cán bộ lớp và tập thể lớp thảo luận để rút kinh nghiệm và tìm kiếm những cách thức để tiết sinh hoạt luôn luôn mới mẻ, hấp dẫn.
Thành công của giáo viên là làm cho học sinh tôn trọng, kính yêu, tin tưởng, là xây dựng được một tập thể lớp đoàn kết, gắn bó. Muốn đạt được điều đó, GVCN phải đảm bảo các nguyên tắc sau đây:
- Thầy cô là điểm sáng, là thần tượng của các em. Các em dễ tin, dễ nghe theo lời dạy bảo của thầy cô.
- Nắm chắc được những thuận lợi, khó khăn, hiểu rõ thực tế trường lớp mình, khéo léo tìm cách bỏ đi mọi rào cản trong mối quan hệ với phụ huynh, đề ra những biện pháp hữu hiệu, tiếp cận gần với các em nhất, tôi nghĩ rằng bất cứ giáo viên nào cũng sẽ sớm trở thành những người bạn của trẻ.
- Luôn gần gũi, bên cạnh, quan tâm tới hoàn cảnh sống của học sinh (nhất là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt). Bên cạnh đó, liên hệ chặt chẽ với phụ huynh, ban phụ huynh của trường, của lớp, vận động cha mẹ có những hành động thiết thực hỗ trợ học tập sẽ giúp cho hoạt động của lớp có hiệu quả hơn.
- Cùng với hoạt động học là hoạt động chủ đạo, để giúp học sinh hoàn thiện nhân cách của mình thì người giáo viên cần phải thu hút học sinh vào các hoạt động tập thể do trường, lớp tổ chức.
- Phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu về nghệ thuật (vẽ, hát, múa, làm hoa…) sẽ tăng thêm sự tự tin vào khả năng của chính bản thân mỗi học sinh.
- Phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ lớp làm nòng cốt, là “cánh tay phải” của mình. Muốn vậy cần phải có một sự chọn lựa dựa trên cơ sở định hướng của giáo viên và khả năng tín nhiệm của học sinh. Để giúp cho các em hoạt động có hiệu quả, tích cực, chính xác, người giáo viên cần thiết kế hệ thống sổ sách theo dõi phù hợp và thường xuyên kiểm tra, đánh giá để có cách điều chỉnh thích hợp.
"Như vậy, để nâng cao chất lượng tiết sinh hoạt lớp thì cả GVCN và học sinh đều phải tìm tòi, suy nghĩ, hoạt động nhiều hơn. Nhưng sau những tiết sinh hoạt với các giải pháp tổ chức các hoạt động tích cực, tôi nhận thấy học sinh thêm yêu thích giờ sinh hoạt chủ nhiệm. Các em mong chờ và dự đoán tháng tới sẽ được tham gia chủ đề gì, những hoạt động nào. Qua đó, học sinh có thể tiếp nhận các tri thức, những suy nghĩ, giá trị đúng đắn một cách tự nhiên, không áp đặt, góp phần hình thành nhân cách, giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức và lối sống cho các em".
Giáo viên viết bài : Lê Thị Quyên